Cúm A là cúm gì?
Cúm A là một bệnh nhiễm trùng đường hô hấp cấp tính gây ra bởi các chủng của virus Cúm A: H1N1, H5N1,... Trong đó, chủng A/H7N9 và A/H5N1 là những chủng virus cúm thường lưu hành ở gia cầm, có khả năng lây nhiễm sang người và tạo thành dịch. Hầu hết bệnh có thể khỏi bằng các loại thuốc cảm cúm thông thường. Tuy nhiên, có một số trường hợp nhập viện và tử vong vì nhiễm virus này, Cúm A có thể gây ra những biến chứng nguy hiểm cho trẻ em, phụ nữ mang thai, người già.

Sự lưu hành của các chủng virus cúm A
Hiện có rất nhiều chủng virus cúm A đang lưu hành trên toàn cầu, trong đó phổ biến nhất là các chủng A/H1N1, A/H5N1, A/H3N2, A/H7N9.
Cúm A/H1N1
Cúm A/H1N1 là chủng virus cúm được Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ghi nhận vào năm 2009. Trước đó, cúm A/H1N1 có cái tên là “cúm lợn” vì các nhà khoa học cho rằng chủng cúm này có nguồn gốc từ lợn. Cúm A/H1N1 có tốc độ lây lan nhanh, dễ bùng phát thành các đợt dịch và đại dịch.
Tuy không nguy hiểm như những cúm A khác như A/H5N1 hay A/H7N9, nhưng cúm A/H1N1 có khả năng gây bội nhiễm, viêm phổi nặng, suy đa tạng hoặc thậm chí là tử vong ở một số người có bệnh mãn tính. Mỗi năm, trên thế giới ghi nhận 250.000 – 500.000 trường hợp tử vong do cúm.
Cúm A/H5N1
Năm 1997, sự bùng phát của virus cúm A/H5N1 đã giết chết hàng chục triệu gia cầm. Từ tháng 12/2003 – 6/2008 đã có 243 người tử vong do cúm gia cầm trong tổng số 385 ca nhiễm ở 15 quốc gia, trong đó chủ yếu là các nước châu Á. Indonesia được ghi nhận là quốc gia có nhiều ca tử vong do cúm A/H5N1 nhất, với 110 người chết, trong 135 ca nhiễm.
Tại Việt Nam, kể từ khi xuất hiện vào cuối năm 2003 đến tháng 9/2008, đã có 106 trường hợp được ghi nhận nhiễm cúm A/H5N1, 52 ca tử vong.
Cúm A/H3N2
Năm 1968, virus cúm A/H3N2 được ghi nhận lần đầu tiên ở Mỹ, là nguyên nhân của trận đại dịch kinh hoàng giết chết 1 triệu người dân trên toàn thế giới trong đó có khoảng 100.000 người dân Mỹ.
Virus cúm A/H3N2 gồm 2 gen từ virus cúm A là: hemagglutinin H3 và N2 neuraminidase; có thể lây nhiễm cho chim, người và động vật có vú. Virus cúm A/H3N2 lưu hành trên toàn thế giới dưới dạng virus cúm A theo mùa.
Trong những năm virus cúm A/H3N2 chiếm ưu thế, nhiều trường hợp phải nhập viện và thậm chí là tử vong. Những ca bệnh nặng xảy ra chủ yếu ở người lớn tuổi, từ 65 tuổi trở lên.
Cúm A/H7N9
Tháng 3/2013, lần đầu tiên các trường hợp nhiễm virus cúm A/H7N9 được phát hiện tại Trung Quốc và nhanh chóng bùng phát mạnh thành những trận đại dịch. Đây là loại virus có độc tính rất cao, có khả năng lây truyền sang người. Ở người, cúm A/H7N9 có khả năng nhân lên trong các cơ quan hô hấp, tiêu hóa, sinh sản, tiết niệu, tồn tại trong dịch tiết của cơ thể như nước mũi, nước bọt, nước mắt và phân…
Đến nay, những người nhiễm virus cúm A/H7N9 hầu hết đều được ghi nhận mắc viêm phổi. Đối với những trường hợp nặng, không được điều trị kịp thời có thể dẫn đến tử vong. Có ít trường hợp nhiễm virus cúm A/H7N9 có triệu chứng giống cúm tự hồi phục mà không cần sự can thiệp của các biện pháp y tế.
Virus cúm A đi vào cơ thể qua đường hô hấp.
Đối tượng mắc cúm A
Bất kỳ ai, ở bất kỳ độ tuổi nào đều có khả năng cảm nhiễm cao với bệnh cúm A. Dưới đây là những người có nguy cơ mắc bệnh cúm và có nguy cơ có biến chứng cao:
-
Tất cả trẻ em từ 6 đến 18 tháng phải dùng aspirin lâu ngày.
-
Những người từ 50 tuổi trở lên.
-
Người bị bệnh tim hoặc phổi mãn tính, hen suyễn, bệnh chuyển hóa (ví dụ bệnh tiểu đường), bệnh thận mãn tính, hoặc suy giảm hệ miễn dịch.
-
Phụ nữ sẽ có thai trong mùa cúm.
-
Người nghiện rượu.
-
Những người sinh hoạt trong các nhà dưỡng lão, các cơ sở chăm sóc dài hạn.
-
Những người thường tiếp xúc mật thiết với các bệnh nhân như cán bộ y tế, người nhà bệnh nhân....
-
Bệnh cúm mùa rất dễ lây nhiễm trực tiếp từ người bệnh sang người lành thông qua các giọt bắn nhỏ khi nói chuyện, khi ho, hắt hơi... Vậy nên ngay cả những người khỏe mạnh cũng có thể mắc bệnh cúm và lây lan cho những người khác.
Nguyên nhân mắc cúm A
Virus cúm A có thể lây truyền trực tiếp từ người này sang người khác thông qua đường hô hấp. Khi người bệnh ho, hắt hơi, thậm chí là nói chuyện… dịch mũi, họng, các giọt nước bọt mang theo virus thoát ra môi trường bên ngoài, người lành hít phải sẽ có thể nhiễm bệnh.
Ngoài ra, một người còn có thể mắc cúm A khi:
-
Sử dụng chung đồ dùng sinh hoạt (ly, chén, muỗng, khăn,…) với người bệnh, hoặc vô tình tiếp xúc với các đồ gia dụng trong gia đình có chứa virus (tay nắm cửa, bàn, ghế,…) sau đó đưa lên mũi, miệng;
-
Tiếp xúc với động vật nhiễm cúm A, cũng có thể lây bệnh như các loài động vật có vú như lợn, ngựa hay các loại gia cầm, chum;
-
Tập trung ở những nơi tập trung đông người như công viên, nhà trẻ, trường học, công sở,… cũng là điều kiện thuận lợi để lây lan virus.
Triệu chứng nhận biết cúm A
Thông thường, để nhận biết cúm A, người bệnh căn cứ vào các biểu hiện như: sốt, nhức đầu, đau mình, hắt hơi, chảy mũi. Nếu sốt cao hoặc không được xử trí đúng cách, người bệnh sẽ bị mất nước, li bì, rối loạn điện giải, một số trẻ thậm chí có dấu hiệu co giật. Ngoài ra, một số triệu chứng đi kèm với sốt do cúm A như viêm họng, hắt hơi, ho. Những trường hợp cúm A kéo dài, bệnh diễn biến nghiêm trọng có thể gây tức ngực, khó chịu và ho khan.
Dịch covid thời gian này đang bùng phát trở lại, cho nên người bệnh sẽ dễ nhầm lẫn giữa các triệu chứng của Cúm A và triệu chứng khi mắc Covid. Để loại trừ khả năng một trong hai trường hợp, người bệnh nên đến cơ sở y tế gần nhất để được kiểm tra và tư vấn

Ở trẻ bị nhiễm cúm A, triệu chứng sốt thường phổ biến với trẻ dưới 24 tháng tuổi. Khi cúm A ở thể nhẹ, trẻ có thể sốt từ 38 độ trở lên, kèm theo nhức đầu, mỏi cơ, lười vận động, ho. Trong một số trường hợp, trẻ có thể nôn trớ nhiều lần, háo nước,… (5)
Trẻ mắc cúm A nghiêm trọng có thể bỏ bú, bỏ ăn, lòng bàn tay, gan bàn chân lạnh, thở nhanh, li bì. Một số trường hợp đặc biệt nghiêm trọng, trẻ có thể sốt cao kèm co giật.
Cách điều trị bệnh cúm A
Đa phần các bệnh nhân mắc cúm A có thể khỏi sau khoảng 7-10 ngày nếu điều trị đúng cách. Hầu hết các trường hợp được chỉ định điều trị tại chỗ, chỉ có một số ít bệnh nhân diễn biến nặng phải được điều trị và cấp cứu kịp thời tại các cơ sở y tế.
Với những trường hợp tiến triển nặng hơn, xuất hiện biến chứng, để chữa trị cúm A người bệnh cần được đưa đến các cơ sở y tế có đầy đủ điều kiện cấp cứu và hồi sức ban đầu để được theo dõi, xét nghiệm và chỉ định dùng thuốc kháng virus phù hợp.
Cách phòng chống bệnh cúm A
Để phòng ngừa hiệu quả virus cúm A, Cục Y tế dự phòng – Bộ Y tế khuyến cáo:
-
Tăng cường vệ sinh cá nhân, che miệng, mũi khi ho và hắt hơi, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng.
-
Vệ sinh sạch sẽ nơi ở, lớp học, nơi làm việc, lau chùi các bề mặt thường xuyên tiếp xúc bằng chất sát khuẩn thông thường.
-
Tự theo dõi sức khỏe hàng ngày, nếu có những biểu hiện nghi ngờ nhiễm cúm như sốt, ho, đau họng… nên thông báo ngay cho các trường học, cơ quan, đoàn thể, nơi học tập, công tác và cơ sở y tế địa phương. Nếu xác định mắc cúm, người bệnh cần đeo khẩu trang và được cách ly.
-
Người mắc bệnh mạn tính, người cao tuổi, phụ nữ mang thai và trẻ em cần tránh tiếp xúc với người nghi ngờ mắc bệnh.
-
Đeo khẩu trang y tế và giữ khoảng cách tối thiểu trên 1 mét trong trường hợp phải tiếp xúc với người bệnh.
-
Người dân nên chủ động tiêm phòng các loại vaccine cúm hàng năm.
Bệnh cúm A có lây không? Lây qua đường nào? - Câu trả lời là: Có!
Cúm A là một bệnh lây nhiễm, có khả năng lây lan trên diện rộng. Bệnh chủ yếu lây qua hai con đường là:
-
Qua giọt bắn: khi người bệnh nói chuyện, ho, hắt hơi sẽ bắn ra những giọt dịch chứa virus từ đường hô hấp. Khi người lành hít phải sẽ bị nhiễm virus cúm A.
-
Qua tiếp xúc với đồ vật, bề mặt có chứa các giọt nước bọt hay dịch tiết mũi họng của người bệnh bắn ra bám vào, sau đó đưa tay lên mũi, miệng.
Cúm A có khả năng lây nhanh từ người sang người trong khoảng thời gian từ 1 ngày trước cho đến 7 ngày sau khi mắc bệnh.
Cúm A là bệnh nhiễm trùng đường hô hấp có tốc độ lây lan nhanh và nguy hiểm. Các chuyên gia khuyến cáo trẻ em, người cao tuổi, người có bệnh lý nền và những đối tượng có nguy cơ cao khác nên tiêm phòng vắc xin cúm hàng năm để phòng bệnh hiệu quả cho bản thân, gia đình và cộng đồng.